Bệnh mạch vành, thiếu máu cơ tim, phình động mạch chủ, suy tim… là các bệnh tim mạch thường gặp, nguy hiểm đến sức khỏe nếu không kịp thời điều trị. Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam. Biết rõ một số triệu chứng các bệnh tim mạch thường gặp sẽ là cơ sở giúp mỗi người nhận biết bệnh sớm hơn. Từ đó thăm khám và tầm soát bệnh kịp thời nhằm hạn chế các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Bệnh mạch vành


Bệnh tim mạch vành là bệnh do mạch máu vành tim bị nghẽn bởi các mảng xơ vữa. Tình trạng này khiến cơ tim bị thiếu dưỡng khí và gây ra các cơn đau thắt ngực. Đặc biệt, nếu tần suất cơn đau ngày càng tăng, cường độ càng nặng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và các tổn thương vĩnh viễn ở tim.


Bệnh mạch vành tuy để lại những hậu quả nặng nề cho sức khỏe nhưng có thể phòng ngừa được bằng cách: không ăn quá mặn, nhiều chất béo, chất ngọt, rèn luyện thể thao và tầm soát tim mạch định kỳ.


Triệu chứng điển hình:

  • Cảm giác nặng ngực, khó thở.
  • Xuất hiện cơn đau thắt ngực bên trái khi xúc động, gắng sức. Cơn đau thường xuất hiện vào buổi sáng.
  • Nhức đầu, chóng mặt.

Bệnh động mạch ngoại biên


Động mạch ngoại vi là hệ thống gồm các động mạch vừa và nhỏ đưa máu từ tim đi nuôi các bộ phận của cơ thể. Nguyên nhân gây bệnh động mạch ngoại biên là do mảng bám tích tụ trong các động mạch mang máu đến não, các cơ quan và tứ chi. Theo thời gian, mang bám cứng lại, thu hẹp các động mạch và hạn chế dòng chảy của máu đến các cơ quan của cơ thể.


Bệnh gồm có 2 thể: Bệnh Buerger – viêm thuyên tắc mạch máu (xảy ra ở bệnh nhân trẻ tuổi, nghiện thuốc lá) và viêm/tắc động mạch do xơ vữa động mạch (thường xảy ra ở người bệnh cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ).


Triệu chứng điển hình:

  • Xuất hiện cơn đau vùng ngực.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Khó thở khi vận động…

Bệnh van tim hậu thấp


Là bệnh lý viêm tự miễn, thường gặp ở những vùng có khí hậu ẩm ướt, nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Bệnh gây ra bởi nhiễm vi trùng Streptococus beta Hemolytique. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, van tim hậu thấp có thể dẫn đến hẹp hở van tim, tổn thương mô khớp.


Triệu chứng điển hình:

  • Mệt.
  • Khó thở…

Bệnh viêm cơ tim


Là bệnh tim mạch có thể xảy ra ở cả người khỏe mạnh, chưa từng mắc bệnh tim, viêm cơ tim có tỷ lệ đột tử cao nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Theo các bác sĩ, nguyên nhân gây bệnh là do các loại siêu vi trùng (nhất là siêu vi trùng Coxsackie), hóa chất hoặc sự gia tăng hormone tuyến giáp.


Triệu chứng điển hình:


Ở giai đoạn đầu, bệnh thường không có dấu hiệu và triệu chứng.


Khi tiến triển nặng, triệu chứng có thể là: khó thở, đau ngực, sưng chân, huyết áp cao, chóng mặt.

Suy tim


Suy tim là tình trạng tim bị yếu, không thể thực hiện chức năng bơm máu đi nuôi cơ thể hiệu quả. Bệnh có 4 mức độ, bao gồm: Suy tim tiềm tàng, suy tim nhẹ, suy tim trung bình, suy tim nặng. Cần lưu ý, suy tim có thể điều trị nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn do nguyên nhân gây bệnh là sự bất thường ở cấu trúc hoặc chức năng tim.


Triệu chứng điển hình:

  • Khó thở.
  • Mệt mỏi, chóng mặt, kiệt sức.
  • Nhịp tim nhanh bất thường…

Rối loạn nhịp tim


Rối loạn nhịp tim là nguyên nhân của 80% trường hợp đột tử nếu không theo dõi sát sao và chữa trị sớm. Hơn thế nữa, đây là một trong những bệnh lý tim mạch nguy hiểm, gây đau tức ngực, khó thở.


Rối loạn nhịp tim khiến tim đập quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút)


Triệu chứng điển hình:

  • Tim đập nhanh/chậm bất thường.
  • Choáng váng, chóng mặt.
  • Cảm giác hồi hộp, lo lắng.
  • Cảm giác ngực bị đè nén…


Bên cạnh 7 bệnh tim mạch nguy hiểm trên, bạn còn cần lưu ý một số bệnh lý tim mạch nguy hiểm khác như: Bệnh van tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não (đột quỵ), bệnh tim bẩm sinh, phình động mạch chủ bóc tách.


Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Do đó, Mỗi người nên chủ động phòng bệnh bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý và nên tầm soát tim mạch theo định kỳ, nhất là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.